NHỮNG LÁ THƯ ĐẾN TỪ HÔM QUA, NHỮNG DÒNG THƯ GỬI TỚI HÔM NAY
Trong quá khứ cho tới hiện tại, có biết bao lá thứ được viết trong thời khắc và hoàn cảnh đặc biệt. Đằng sau mỗi lá thư luôn có những câu chuyện để kể, nhiều hơn cả những dòng chữ viết vội mà nó chứa đựng.
NGÀY ẤY – LÁ THƯ CỦA YÊU THƯƠNG
Người đã về với hư vô nhưng lịch sử Việt Nam còn lưu giữ những lá thư sống vượt thời gian, những dòng chữ nét mực còn thổn thức vẹn nguyên cảm xúc. Lá thư của bà Phạm Thị Quang Thái, người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được lịch sử nhắc lại bởi sự đặc biệt. Đó là lá thư được gửi đi từ chốn lao tù nhưng không bao giờ nhận được hồi âm.
Trong những tháng ngày trong song sắt chốn ngục tù Hỏa Lò, cứ đều đặn mỗi tháng, bà đều viết thư để để vơi nỗi thương, niềm nhớ con gái Võ Hồng Anh vốn được trao gửi ông bà ở quê khi vẫn còn đỏ hỏn:
“Tháng nào mẹ cũng viết thư cho Hồng Anh mà chẳng tháng nào mẹ nhận được thư ở An Xá kể con cho mẹ nghe. Mẹ nhớ con, mẹ cứ nói luôn, mẹ nói một mình ấy. Mẹ nhớ Anh quá, Mẹ xa Anh đã 12 tháng rưỡi rồi. Anh cao lớn hơn khi mẹ ở nhà, mẹ tưởng tượng là bà đưa ảnh ba mẹ cho Anh hôn. Hôn con 100 cái hôn của mẹ”.
Những bức thư ấy không nhận được lời hồi đáp, 100 cái hôn của bà Thái gửi con mình không bao giờ thành hiện thực. Nhưng bức thư ấy đã được đón nhận bởi hàng triệu người con sinh ra và lớn lên trong thời loạn lạc. Họ thấu hiểu cho tiếng lòng của những người phụ nữ thời chiến, tạm gác tình riêng để trái tím chọn đập nhịp vì Tổ Quốc nhưng lòng chưa bao giờ thôi nhớ thương con.
HÔM NAY – DÒNG THƯ CỦA HI VỌNG VÀ BÌNH AN
Hôm nay, những ngày “chống dịch như chống giặc” sẽ mãi đi vào lịch sử. Nơi chiến trường không bom rơi đạn lạc là bệnh viện dã chiến, những chiến sĩ đứng trên “chiến hào” chính là đội ngũ y bác sĩ khoác áo blouse. Trong hoàn cảnh ấy, những bức thư đặc biệt ra đời.
Trong tư thế sẵn sàng tư trang, có lệnh là sẽ đi ngay, chị Nguyễn Thị Thắm (44 tuổi, điều dưỡng trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM) đã viết thư gửi đến 2 bé ở nhà:
“…Con biết không?
Nếu ở nhà mẹ sẽ nhàn tấm thân
Nhưng đêm ngủ không ngon vì đồng đội mẹ, vẫn còn đang thức
Các cô phải xa con mình với trăm điều khổ cực
Các em nhỏ hơn con nhiều, nên mẹ chọn, mẹ ra đi”

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm – khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất – Ảnh: NVCC
Một “bức thư tình” đặc biệt cũng được kể lại tại phòng Cấp Cứu thuộc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – nơi tiếp nhận điều trị các ca nhiễm Covid-19 nặng.
““71 năm. Cưới nhau, chưa giúp nhau được gì. Nay ai còn ai mất, nhờ người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên!”
Đó là những dòng nhắn nhủ của cụ ông gửi người vợ đang nằm thở máy điều trị và vẫn còn mê man do thuốc an thần. Hai cụ đều được chuyển vào cấp cứu do nhiễm Covid-19, người vào trước, người vào sau.
Đằng sau lá thư ấy là những câu chuyện giờ mới kể, khi bà cụ trong tình trạng “phần lớn phổi đã bị tổn thương, khoảng phổi lành còn rất ít, chỉ số oxy trong máu quá thấp” vẫn bày tỏ nguyện vọng được nhường máy thở cho người chồng. Cụ lo sợ bệnh viện đông sẽ thiếu máy thở cho cả 2 người. Cao cả trong sự giản dị, đó còn là nguyện nhường nhau hơi thở và sự sống!
Dù quá khứ hay thực tại, những lá thư được viết trong hoàn cảnh đặc biệt đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ chuyên chở tình yêu mà còn lấp lánh niềm lạc quan tích cực. Quá khứ đã minh chứng niềm lạc quan ấy đã trở thành hiện thực khi hòa bình được thiết lập khắp non sông Việt Nam.
Và chỉ nay mai thôi, những lá thư trong thời bình kia sẽ được kể lại trong những bữa cơm gia đình sum vầy có con và ba mẹ. Chúng ta sẽ lặp lại những thói quen thường nhật, bình dị mà thân thương vẫn thường làm. Đất nước mình sẽ sớm khỏi ốm, lại khỏe mạnh, đứng dậy và vươn lên!